CHỮ HỢP THỂ 合体字
Chữ hợp thể là một hình thái đặc biệt trong văn hóa chữ viết của người Trung Quốc. Người Trung Quốc thường dùng những từ ngữ mang ngụ ý may mắn, tốt lành viết ghép lại thành một chữ Hán, loại chữ Hán này được gọi là “chữ hợp thể” (合体字) hoặc là “chữ hợp thể cát tường” (吉祥合体字), “chữ cát lợi” (吉利字), “chữ cát ngữ” (吉语字). Chữ hợp thể thường được viết trên giấy dán cửa, câu đối xuân, thư pháp… trong những dịp lễ tết nhằm cầu chúc may mắn, tốt lành. Chữ hợp thể mà chúng ta thường gặp nhất là chữ Song Hỷ 囍 dùng trong đám cưới.
Chữ hợp thể xuất hiện sớm nhất trên những “tín phù 信符” (vật làm tin) thời Tiên Tần, như lệnh phù của các vua chư hầu, binh phù điều động quân đội… Người ta ghép mấy chữ Triện lại với nhau, khắc trên tre, gỗ, vàng, ngọc… rồi bẻ làm đôi, hai bên mỗi bên giữ một nửa để làm tin, khi ghép lại có thể nghiệm chứng thật giả. Đến thời Hán, Đạo giáo phát triển, loại thủ pháp này lại được các đạo sĩ dùng để vẽ bùa, chữ hợp thể dùng trong bùa chú được gọi là “phúc văn 复文”. Do tin tưởng các chữ hợp thể trong lá bùa có sức mạnh “triệu quỷ thần, trấn yêu ma”, trong dân gian dần dần hình thành phong trào dùng các từ ngữ mang ý tốt lành tạo thành chữ hợp thể. Kể từ thời Tống, chữ hợp thể đã dần dần thoát khỏi phạm trù “bùa”, diễn biến thành một phương thức biểu đạt nguyện vọng “tránh dữ cầu lành” của quần chúng nhân dân.
Có thể nói chữ hợp thể là một sản phẩm văn hóa độc đáo, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức, nó vừa mang nét đẹp của nghệ thuật thư pháp vừa thể hiện được tâm tư nguyện vọng tốt đẹp của người dân.
Dưới đây là một số chữ hợp thể thường gặp.